Tại sao dân văn phòng thường khó ngủ trưa?

  • 07.01.2021
  • |
  • 21 (Lượt xem)

Thực tế, không ít người gặp phải tình trạng khó ngủ trưa, đặc biệt là ở dân văn phòng. Điều này kéo theo những dấu hiệu mệt mỏi, thiếu tỉnh táo vào buổi chiều, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và sức khỏe của người bệnh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân nhân gây khó ngủ vào buổi trưa ở dân văn phòng và cách khắc phục trong bài viết sau đây.

1. Giấc ngủ trưa và tình trạng khó ngủ trưa ở dân văn phòng

1.1 Vai trò của giấc ngủ trưa đối với dân văn phòng

Ngủ trưa là một nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người. Vào buổi trưa, nhiệt độ cơ thể giảm dần khiến khả năng phản ứng với những tác nhân kích thích từ bên ngoài bị suy giảm. Giấc ngủ trưa chính là hoạt động giúp cân bằng lại.

Một giấc ngủ trưa trọn vẹn giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, giảm mệt mỏi, giải phóng căng thẳng sau thời gian làm việc buổi sáng, giúp bạn tỉnh táo để tiếp tục hoạt động cho một ngày dài.

Bên cạnh đó ngủ trưa hợp lý còn giúp phòng ngừa và cải thiện chứng đau đầu, hạn chế ảnh hưởng của các bệnh lý về tim mạch, bệnh mất ngủ và những bệnh lý liên quan đến trí não.

Giấc ngủ trưa đặc biệt cần thiết nếu bạn gặp tình trạng thiếu ngủ, khó ngủ vào đêm hôm trước hoặc đang bị suy nhược cơ thể, hay ngủ gà ngủ gật vào ban ngày. Khi đó giấc ngủ trưa giúp giảm cảm giác buồn ngủ, giúp bạn tỉnh táo và bổ sung thêm năng lượng.

1.2 Tình trạng khó ngủ trưa ở dân văn phòng

Nếu ngủ trưa quá ít, cơ thể sẽ không có đủ thời gian để giải phóng căng thẳng, mệt mỏi. Điều này có thể khiến bạn cảm giác khó chịu, không minh mẫn sau khi thức dậy. Cảm giác buồn ngủ kéo dài có thể khiến công việc vào buổi chiều không đảm bảo chất lượng.

Giấc ngủ trưa mang đến nhiều lợi ích đối với cơ thể và sức khỏe. Tuy nhiên cũng không nên ngủ trưa quá lâu. Bởi thời gian ngủ trưa kéo dài cũng khiến đầu óc sẽ rơi vào trạng thái u mê, tạo cảm giác mệt mỏi, khó chịu và nặng nề, làm giảm hiệu quả công việc và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt.

Vào buổi trưa bạn cần ngủ ngắn và đúng giờ. Theo các chuyên gia Nội thần kinh, thời gian ngủ buổi trưa tốt nhất nên từ 15 – 30 phút nhưng không quá 1 giờ đồng hồ.

2. Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng khó ngủ trưa?

Khó ngủ trưa là tình trạng không thể tập trung vào giấc ngủ, thậm chí có những người hoàn toàn không thể ngủ được một chút nào vào buổi trưa. Tình trạng này đặc biệt dễ xảy ra ở dân văn phòng.

Một số nguyên nhân phổ biến khiến bạn khó ngủ, mất ngủ buổi trưa gồm:

2.1 Thói quen sinh hoạt xấu

Các thói quen xấu có khả năng gây cản trở quá trình lưu thông oxy và máu lên não, tác động không tốt đến các hoạt động của hệ vi mạch, gây cảm giác hưng phấn, khiến bạn không thể tập trung vào giấc ngủ.

Các thói quen xấu ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa bao gồm:

– Thường xuyên hút thuốc lá

– Sử dụng các chất kích thích

– Lạm dụng rượu bia, thường xuyên uống trà đặc, cà phê

– Ngủ trái múi giờ

– Ăn quá no trước hoặc vừa ăn xong đã đi ngủ ngay

– Căng thẳng, buồn rầu, lo âu…

2.2 Các bệnh lý và việc sử dụng thuốc điều trị

Tình trạng khó ngủ trưa thường xảy ra ở những người mắc các bệnh lý như:

– Viêm mũi dị ứng, viêm xoang

– Thấp khớp, viêm khớp

– Trào ngược dạ dày thực quản

– Viêm loét dạ dày

– Trầm cảm…

Việc lạm dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc đau đầu…cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ vào buổi trưa.

2.3 Căng thẳng tâm lý gây khó ngủ trưa

Áp lực trong công việc, các mối quan hệ với đối tác, đồng nghiệp không thuận lợi vào buổi sáng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, căng thẳng đầu óc, khó chịu, khiến bạn mất cảm giác buồn ngủ, khó ngủ, ngủ trưa chập chờn. Tâm lý sợ dậy muộn vào buổi chiều cũng có thể gây ảnh hưởng, khiến bạn không có giấc ngủ trưa trọn vẹn.

2.4 Ảnh hưởng từ không gian ngủ

Không gian ngủ không đảm bảo là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian và chất lượng của giấc ngủ trưa của dân văn phòng. Nếu nhiệt độ trong phòng quá lạnh hoặc quá nóng, diện tích ngủ ít, có nhiều tiếng ồn, phòng quá sáng hoặc không thoáng mát, không sạch sẽ… thì bạn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc chìm vào giấc ngủ.

Ngoài ra, dân văn phòng thường phải ngủ gục trên bàn hoặc nằm trên sàn, một số người gối đầu quá cao, không gối đầu,… Những điều này sẽ làm tăng cảm giác khó chịu và khiến bạn khó ngủ.

2.5 Thói quen không ngủ trưa

Nếu không có thói quen ngủ trưa mỗi ngày trong một thời gian dài thì bạn thường sẽ không cảm thấy buồn ngủ vào buổi trưa.

3. Các biện pháp cải thiện 

3.1 Đối với những người đã có thói quen ngủ trưa

– Cần duy trì độ ẩm và nhiệt độ phòng thích hợp

– Không ngủ ngay sau khi ăn no, nên ngủ trưa sau 30 phút kể từ khi ăn xong

– Trước khi ngủ trưa từ 1 – 2 giờ đồng hồ, bạn có thể uống một số loại nước uống giúp dễ ngủ như trà gừng mật ong ấm, trà hoa cúc, trà tâm sen…

– Chọn một không gian ngủ yên tĩnh và hạn chế tối đa ánh sáng

– Giải tỏa tâm lý sợ muộn, đặt báo thức thay vì nhìn vào đồng hồ thường xuyên

– Xây dựng và duy trì thói quen đi ngủ và thức giấc đúng giờ

– Sử dụng các loại tinh dầu để xông phòng, ngâm chân, tắm,…

– Rửa mặt bằng nước ấm trước giờ ngủ

– Luyện tập thể dục đều đặn, vừa sức

– Loại bỏ hết căng thẳng lo âu, để cơ thể hoàn toàn thư giãn khi ngủ

3.2 Đối với những người không có thói quen ngủ trưa

Đối với người không quen ngủ trưa mà muốn hình thành thói quen này thì nên dành từ 15 – 30 phút ngủ trưa mỗi ngày. Khi ngủ bạn nên tập trung vào giấc ngủ, không quan tâm đến những hoạt động xung quanh và dậy đúng giờ ngay cả khi bạn không thể ngủ được. Sau 3 – 5 ngày, cảm giác muốn ngủ trưa của bạn sẽ xuất hiện.

Tình trạng khó ngủ trưa thường không làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và có thể được cải thiện bằng các biện pháp cơ bản. Tuy nhiên, nếu khó ngủ do nguyên nhân bệnh lý hoặc xuất hiện đồng thời với tình trạng khó ngủ vào ban đêm gây mệt mỏi nhiều, người bệnh nên trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời áp dụng đúng các phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.