Sớm ban hành và triển khai chính sách ưu tiên cho phát triển Vùng Đồng bằng Sông Hồng

  • 04.03.2022
  • |
  • 24 (Lượt xem)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu sớm xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Sáng 29/11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương trong Vùng và hơn 4.300 đại biểu từ các điểm cầu trong cả nước

Hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Đây là hội nghị hoàn tất việc ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khoá XIII đối với toàn bộ 6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cũng như các địa phương trong Vùng, nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng – một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Vùng Đồng bằng Sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc Đồng bằng Sông Hồng (Đồng thời cũng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; và Tiểu vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây luôn luôn là địa bàn cốt lõi của vùng Thủ đô, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị các khoá IX và XI, các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân trong Vùng đã phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và những tiềm năng, lợi thế vượt trội, nhất là về nguồn nhân lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, Vùng Đồng bằng Sông Hồng vẫn còn một số mặt hạn chế đó là: Kinh tế – xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa:

Kinh tế – xã hội Vùng Đồng bằng Sông Hồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời định hướng phát triển Vùng theo hướng “khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế – chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới””

Tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Vùng Đồng bằng Sông Hồng có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen.

Thực tế trên đây đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI và ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.

Đề cập về những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các địa phương trong Vùng phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn Vùng, của từng địa phương trong Vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển Vùng.

Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành cho được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, các địa phương trong vùng chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, thật sự gương mẫu về đạo đức và lối sống.

Nguồn : doanhnghiepvn.vn

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.