Những hệ lụy do mất ngủ cả đêm gây ra

  • 06.01.2021
  • |
  • 21 (Lượt xem)

Mất ngủ cả đêm nếu chỉ xảy ra trong 1 ngày thì có thể chưa ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nếu tình trạng này kéo dài hơn sẽ là mối nguy lớn cho sức khỏe của người bệnh. Cùng tìm hiểu rõ hơn về những hệ lụy của mất ngủ đối với sức khỏe.

1. Mất ngủ trắng đêm gây ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh?

Ảnh hưởng của mất ngủ đối với người bệnh phụ thuộc vào thời gian bạn bị mất ngủ. Thời gian mất ngủ càng dài, tình trạng mất ngủ càng diễn ra trong nhiều ngày thì ảnh hưởng tới sức khỏe càng lớn. Cụ thể:

 1.1 Mất ngủ cả đêm sau 24 giờ

Việc thức trắng trong 24 giờ là điều dễ xảy ra trong cuộc sống tuy nhiên ít gây ra những ảnh hưởng tới công việc hay các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Theo CDC, việc thiếu ngủ 24 giờ giống như việc bạn có nồng độ cồn vượt quá mức quy định để lái xe (0,1%).

Lúc này, cảm giác chính của bạn sẽ là mệt mỏi và muốn được nghỉ ngơi. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng như: buồn ngủ, giảm khả năng tập trung, căng thẳng, cáu gắt, thèm ăn, xuất hiện quầng thâm mắt,…

1.2 Mất ngủ sau 36 giờ

Nếu thiếu ngủ trong 36 giờ, các bộ phận khác nhau của bộ não sẽ gặp khó khăn khi giao tiếp với nhau. Do vậy, các triệu chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện như: suy giảm trí nhớ, khó học thông tin mới, phản ứng chậm, khó đưa ra quyết định, khó xử lý các tín hiệu xã hội,… Các giấc ngủ ngắn kéo dài 30 giây có thể xảy ra mà bạn không hề hay biết.

1.3 Mất ngủ cả đêm sau 48 giờ

Thức trắng trong 48 giờ có thể khiến cơ thể bị thiếu ngủ cực độ, khiến bạn không thể tỉnh táo. Thậm chí bạn có thể bắt đầu bị ảo giác, nhìn, nghe hoặc cảm thấy những điều không xảy ra ở thực tế.

Tình trạng sức khoẻ, đặc biệt là hệ thần kinh bị suy giảm nghiêm trọng: mức độ căng thẳng gia tăng, xuất hiện các triệu chứng lo âu, tăng sự giận dữ, mắt đau rát, đau đầu,..

1.4 Mất ngủ sau 72 giờ

Sau 3 ngày mất ngủ, những giấc ngủ nhỏ có thể xảy ra thường xuyên hơn và lâu hơn. Sức khoẻ thể chất và tinh thần của bạn bị giảm sút và trở nên tồi tệ hơn. Bạn giảm đáng kể khả năng nhận thức và ảo giác của bạn trở nên phức tạp hơn. Thậm chí bạn có thể bị ảo tưởng, rối loạn nhân cách,…

1.5 Mất ngủ sau 96 giờ

Lúc này nhận thức của bạn về cuộc sống thực sẽ bị sai lệch nghiêm trọng, làm gia tăng sự ảo tưởng và rối loạn nhân cách.

Bạn sẽ cảm thấy thèm ngủ và căng thẳng cực độ, không thể suy nghĩ được điều gì, não dường như ngừng hoạt động, cảm thấy dường như cơ thể này không còn là của mình nữa.

Nếu bạn mất ngủ nhiều đến mức không thể giải thích được thì có thể bạn bị mắc chứng rối loạn tâm thần thiếu ngủ. Thông thường, rối loạn tâm thần thiếu ngủ sẽ biến mất khi bạn ngủ đủ giấc.

2. Những tác hại chung do mất ngủ

Tình trạng mất ngủ cả đêm có thể gây ra những hệ lụy lớn đối với sức khỏe dù chỉ diễn ra trong vài ngày. Còn thông thường, đối với những người thời gian ngủ chỉ giảm ít hoặc tình trạng mất ngủ không diễn ra thường xuyên thì việc mất ngủ không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu ngủ kéo dài vẫn có thể gây một số tác hại, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc và sức khỏe của người bệnh. Cụ thể đó là:

2.1 Mất tập trung

Nếu thiếu ngủ thường xuyên, bộ não sẽ dành rất ít thời gian cho giai đoạn ngủ sâu – mơ. Điều này khiến người bệnh cảm thấy chậm chạp, mất tập trung nên thường gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ và ghi nhớ mọi thứ. Từ đó làm giảm năng suất và hiệu quả công việc.

2.2 Ảnh hưởng đến tâm trạng 

Việc thiếu ngủ khiến cơ thể sản sinh ra nhiều cortisol, một loại hormon căng thẳng, khiến người bệnh trở nên dễ cáu gắt, lo âu, mệt mỏi, uể oải,… Nhiều người còn bị trầm cảm, tự kỷ. Bên cạnh đó, cortisol cũng phá vỡ nhiều collagen trong cơ thể, gây ra  tình trạng viêm do mụn, khiến làn da hình thành nếp nhăn sớm… khiến người bệnh mất tự tin về ngoại hình.

2.3 Gây bệnh tim mạch

Hệ thần kinh giao cảm hoạt động nhiều hơn khi cơ thể không ngủ đủ giấc. Điều này khiến các mạch máu co lại, huyết áp tăng, tạo áp lực thêm cho trái tim. Khi ngủ ít, cơ thể cũng cần nhiều insulin hơn để duy trì đường huyết bình thường. Điều đó cũng có tác động xấu tới mạch máu và tim.

2.4 Tăng cân

Trạng thái mệt mỏi, căng thẳng khi mất ngủ có thể khiến các cơ quan đảm trách việc ăn uống bị rối loạn, khiến cho người bệnh có xu hướng tìm và tiêu thụ những thực phẩm không lành mạnh, không tiêu hao hết lượng calo nạp vào, vì thế tăng lượng mỡ tích tụ, gây tăng cân béo phì.

2.5 Tăng huyết áp

Nội tiết tố gây căng thẳng tiết ra khi thiếu ngủ có thể dẫn đến sự gia tăng tạm thời huyết áp. Nếu không được điều trị, có thể gây ra tăng huyết áp mạn tính.

2.6 Trầm cảm

Thiếu ngủ là nguyên nhân làm giảm chất dẫn truyền thần kinh. Các chất này có tác dụng điều chỉnh tâm trạng con người. Vì vậy khi thiếu ngủ, tâm trạng con người dễ trở nên bất ổn, sinh ra chứng trầm cảm.

2.7 Ung thư

Thiếu ngủ cũng làm gia tăng nguy cơ ung thư do ức chế sự sản sinh của hormone melatonin. Hormone này có tác dụng chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u.

Trên đây là những thông tin về những hệ lụy của mất ngủ nói chung và mất ngủ cả đêm nói riêng đối với cơ thể. Để ngăn chặn những ảnh hưởng này, bạn nên chủ động chăm sóc hệ thần kinh não bộ bằng lối sống lành mạnh và chủ động thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh ngay khi có các dấu hiệu bất thường về giấc ngủ .

Nguồn: benhvienthucuc.vn

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.