Chỉ trong tháng 1, hai quỹ ETF ngoại hàng đầu thị trường đã hút ròng tổng cộng gần 115 triệu USD (khoảng gần 2.700 tỷ đồng). Trong đó, tỷ trọng phân bổ vào cổ phiếu Việt Nam ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng.
Sau giai đoạn bán ròng kéo dài, dòng vốn ngoại đã đảo chiều kể từ khi thị trường về mức định giá thấp hiếm có trong lịch sử từ tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó tới nay, động thái mua ròng của khối ngoại vẫn đang được tiếp diễn. Có đóng góp không nhỏ tới xu hướng này, 2 quỹ ETF ngoại tên tuổi trên thị trường chứng khoán Việt Nam là V.N.M ETF và FTSE Vietnam ETF tiếp tục gây bất ngờ khi hút tiền rất mạnh với quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong tháng đầu tiên của năm 2023, V.N.M ETF đã hút ròng 86,5 triệu USD (~2.028 tỷ đồng) trong khi FTSE Vietnam ETF cũng hút ròng 27,7 triệu USD (~650 tỷ đồng). Như vậy, chỉ trong tháng 1, hai quỹ ETF ngoại hàng đầu thị trường đã hút ròng tổng cộng gần 115 triệu USD (khoảng gần 2.700 tỷ đồng). Trong đó, tỷ trọng phân bổ vào cổ phiếu Việt Nam ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng.
Trước đó, V.N.M ETF là một trong những ETF bị rút ròng mạnh nhất thị trường với giá trị gần nghìn tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm. Tuy nhiên, động thái hút tiền mạnh kể từ tháng 11/2022 đã đảo chiều dòng vốn qua ETF này. Tổng giá trị dòng vốn vào V.N.M ETF lũy kế cả năm 2022 đã lên đến 77,3 triệu USD (~1.810 tỷ đồng).
Sớm hơn, dòng vốn qua FTSE Vietnam ETF đã bắt đầu đảo chiều từ tháng 7 năm trước sau khi liên tục bị rút ròng 6 tháng đầu năm. Kể từ nửa sau của năm 2022, ETF này đều hút tiền khá mạnh mỗi tháng và chỉ chững lại đôi chút vào tháng 10. Nhờ đó, tổng giá trị dòng vốn vào FTSE Vietnam ETF trong cả năm 2022 đã lên đến 77 triệu USD (~1.805 tỷ đồng).
Hiện tại, V.N.M ETF đang tham chiếu theo MVIS Vietnam Index trong khi FTSE Vietnam ETF lấy FTSE Vietnam Index làm chỉ số cơ sở. Đây là các rổ chỉ số có sự tương đồng nhất định với rổ VN30, đặc biệt các khoản đầu tư lớn nhất đều là những cổ phiếu vốn hoá lớn trong nhóm này.
Thời điểm 31/1/2023, V.N.M ETF có quy mô danh mục đạt hơn 539 triệu USD và quỹ dành khoảng 72% cho cổ phiếu Việt Nam. Trong kỳ cơ cấu quý 4, MVIS Vietnam Index đã loại 4 cổ phiếu THD, ITA, BCG, DXG ra khỏi danh mục qua đó giảm số lượng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục xuống con số 40.
Về cơ cấu danh mục V.N.M ETF, VHM hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7,34%, xếp tiếp theo lần lượt là VNM (6,86%), VIC (6,41%), HPG (5,9%),…
Một điểm đáng chú ý đến từ việc quỹ V.N.M ETF mới đây đã nhất trí thông qua (1) thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index sang MarketVector Vietnam Local Index; (2) thay đổi mục tiêu đầu tư và (3) thay đổi chiến lược đầu tư chính.
Vietnam Local Index hiện bao gồm 100% cổ phiếu Việt Nam có thanh khoản cao. Các tiêu chí để lọt rổ chỉ số bao gồm: (1) quy mô vốn hóa tối thiểu 150 triệu USD; (2) khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trong 3 tháng ít nhất 1 triệu USD tại lần đánh giá cũng như hai lần đánh giá trước đó; (3) Ít nhất 250.000 cổ phiếu được giao dịch mỗi tháng trong 6 tháng gần nhất tại lần xem xét và cả hai lần xem xét trước đó.
Với việc thay đổi chỉ số cơ sở trên, V.N.M ETF theo kế hoạch sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 100%. Điều này có nghĩa V.N.M ETF sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thêm khoảng 130 triệu USD (~3.000 tỷ đồng). Ngày có hiệu lực từ 17/3/2023.
Đối với FTSE Vietnam ETF, quy mô tài sản quỹ đang quản lý tại thời điểm 31/1 đạt hơn 322 triệu USD. ETF này đầu tư 100% cổ phiếu Việt Nam mô phỏng theo chỉ số FTSE Vietnam Index với 26 cổ phiếu. Trong cơ cấu, các cổ phiếu VIC, VHM, MSN, VNM, HPG, VCB, VRE, SSI, VJC, STB là những cái tên chiếm tỷ trọng hàng đầu.
Nguồn : cafef.vn