Theo số liệu mới từ Công ty phân tích mạng lưới blockchain Glassnode, thị trường hiện ghi nhận chỉ còn 23.245 ví có số dư Bitcoin trị giá trên 1 triệu USD. Đây được xem là hệ quả của việc đồng Bitcoin, đồng tiền số nhất thế giới, mất giá gần 80% so với mức đỉnh hồi tháng 11.
Số lượng triệu phú cũng đã giảm xuống theo đà giảm của giá đồng Bitcoin, theo Cointelegraph. Số triệu phú Bitcoin giảm tương ứng khoảng 80% so với 112.898 người, chiếu theo dữ liệu ngày 8/11 năm ngoái. Đây là thời điểm đồng tiền số này đạt mức cao kỷ lục hơn 69.000 USD một đơn vị.
Các nhà đầu tư nắm giữ tiền số lâu dài đang tiếp tục tích lũy, dù tỷ lệ thua lỗ vẫn còn cao đáng kể, theo Glassnode. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ – những người có 0,01 Bitcoin trở lên trong ví của họ, cũng đã tăng số lượng gần đây. Ngoài ra, lượng ví có số dư khác 0 đã tăng đáng kể từ ngày 18/11. Đây được xem là xu hướng tương đối hiếm ghi nhận kể từ tháng 4/2021.
Kể từ khi vụ bê bối FTX làm chao đảo thị trường, nhà đầu tư ngày càng ngần ngại trong việc lưu trữ tài sản trên các sàn giao dịch, theo Cointelegraph.
Những người đồng sáng lập sàn giao dịch Decentrader nhận định trong tuần này, các nhà đầu tư sở hữu từ 1 Bitcoin trở lên thường có xu hướng rút tiền về kho lưu trữ cá nhân và hợp nhất ví. Tính đến 27/11, tổng số này là hơn 952.000 ví, một kỷ lục trong lịch sử của Bitcoin.
Công ty Glassnode cho biết, số lượng những nhà đầu tư nhỏ lẻ có từ 0,01 Bitcoin trở lên đã tăng trong khoảng thời gian gần đây. Tính đến ngày 18/11, hiện có khoảng 900.000 ví với giá trị siêu nhỏ. Đây được xem là xu hướng tương đối hiếm, kể từ tháng 4/2021.
Hiện có khoảng 2,3 triệu Bitcoin được lưu trữ trên các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung, tương đương mức ghi nhận vào giữa năm 2018. Con số trên giảm mạnh so với mức cao nhất mọi thời đại là 3,1 triệu Bitcoin hồi năm 2020.
Tâm lý ngại giao dịch với các sàn trung gian lớn dần khi FTX công bố có khoảng 1 triệu chủ nợ, gồm 50 chủ nợ lớn nhất là các tổ chức và công ty lớn, với tổng số nợ lên tới gần 3,1 tỷ USD. Trong đó 1,45 tỷ USD là số nợ của 10 chủ nợ lớn nhất, nhưng sàn giao dịch tiền số này không nêu cụ thể chủ nợ đó là những bên nào.
Nhà đầu tư cá nhân ngày càng có tâm lý e ngại trước thông tin nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn còn phải chịu thiệt hại nặng nề mỗi khi có biến cố trên thị trường tiền số. Trong vụ FTX gần đây, Bloomberg thống kê có ít nhất khoảng 10 doanh nghiệp tiền số chịu thiệt hại lớn. Tính chung về rủi ro tài chính, có gần 50 tổ chức chịu liên đới vì có quan hệ giao thương với hệ sinh thái FTX.
Sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền số lớn thứ 3 thế giới đã tạo ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản, CoinTelegraph dẫn báo cáo nghiên cứu từ Coinbase cho biết. Điều này có thể góp phần khiến “mùa đông” tiền số kéo dài đến cuối năm 2023. Dữ liệu thị trường cũng chỉ ra dấu hiệu tương tự khi tỷ lệ stablecoin so với tổng vốn hóa thị trường đã đạt mức cao mới là 18%. Điều này đồng nghĩa nhiều nhà đầu tư đang thoát khỏi các đồng tiền biến động cao và chuyển sang các stablecoin được chốt giá bằng USD.
Theo báo cáo, hiệu ứng lan truyền từ việc FTX nộp đơn xin phá sản đã được hạn chế. Tuy nhiên thị trường tiền số có thể ghi nhận “hiệu ứng lan truyền thứ hai” từ các đối tác có thể đã cho vay hoặc tương tác với hệ sinh thái FTX hoặc quỹ anh em với sàn này – Alameda.
Nhóm phân tích Coinbase cho rằng những sự kiện đáng tiếc xung quanh FTX chắc chắn đã làm tổn hại niềm tin của nhà đầu tư vào loại tài sản kỹ thuật số, việc khắc phục sẽ mất thời gian.
Tuy nhiên xét ở bình diện chung, Joseph Ayoub, nhà phân tích chiến lược của Citigroup, nhận định thị trường tiền số không đủ lớn để đe dọa các loại tài sản khác. Theo ông, mức vốn hóa 890 tỷ USD quá nhỏ so với 41.000 tỷ USD quy mô thị trường đầu tư tại Mỹ.
Nguồn : doanhnghiepvn.vn