Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá ngừ tính từ đầu năm đến ngày 21/12/2022 đã lần đầu tiên chạm tới mốc 1 tỷ USD và dự kiến cả năm sẽ đạt 1,03 tỷ USD…
Xuất khẩu cá ngừ liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua: đạt 651 triệu USD năm 2018; đạt 730 triệu USD năm 2019; đạt 648 triệu USD năm 2020 và 733 triệu USD năm 2021. Trong ba quý đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ càng đạt tăng trưởng cao tới 55% so với cùng kỳ năm trước và đạt 808 triệu USD trong 9 tháng.
Sau nhiều tháng tăng trưởng tốt bất chấp lạm phát, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã chững lại trong tháng 10/2022 và tháng 11/2022. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng 10 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 76 triệu USD, mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm. Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 11 chỉ đạt 64 triệu USD, ngang bằng với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 948 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Israel và Arập Xêut là 5 thị trường nhập khẩu chính cá ngừ của Việt Nam tính theo quốc gia đơn lẻ.
Cụ thể trong 11 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ đạt 461 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm liên tục qua từng tháng cho đến nay. Lạm phát tại Hoa Kỳ đã giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao trong vòng 40 năm qua. Do đó, giá thực phẩm vẫn ở mức đắt đỏ vì thế đã kìm hãm sức mua của thị trường này trong những tháng cuối năm.
Đứng thứ hai về thị trường cá ngừ là Canada đạt 48 triệu USD trong 11 tháng, tăng 75%; ở vị trí thứ ba là Nhật Bản với 38 triệu USD, tăng 58%; thị trường Israel đứng thứ 4 với 31 triệu USD, tăng 17%; vị trí thứ 5 thuộc về thị trường và Arập Xêut với kim ngạch 28 triệu USD, tăng 387% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tăng 120% so cùng kỳ năm 2021. Thái Lan tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 6 của Việt Nam trong năm 2022.
Theo Vasep, hiện nay, những tín hiệu thị trường cá ngừ không còn được tích cực như nửa đầu năm. Lạm phát gia tăng đang làm giảm sức mua tại các thị trường, nhất là tại các thị trường Hoa Kỳ, Bỉ, Israel, Ai Cập thậm chí ở cả các thị trường vốn có lợi thế về thuế quan CPTPP hoặc lợi thế về địa lý. Xuất khẩu cá ngừ sang các nước trong khối CPTPP trong 11 tháng tăng 95% so với cùng kỳ, đạt 13,5 triệu USD.
Trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ và các khụ vực Châu Á tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm và tăng trưởng chậm lại trong quý 4; thì xuất khẩu EU có những diễn biến ngược lại: khó khăn trong nửa đầu năm, tăng tốc trong 3 tháng cuối năm. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong 3 tháng trở lại đây tăng trưởng liên tục.
Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 10 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay, đạt gần 19 triệu USD, tăng 22% so với tháng 10/2021. Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 11 vào EU đạt trên 20 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU đạt hơn 150 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường EU như Bỉ, Đức có xu hướng tăng mạnh, từ 10-33%.
Nhìn lại năm 2022, do cuộc xung đột Nga – Ukraine ngày càng leo thang nên các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam phải tiếp tục đối mặt với thách thức như chi phí vận chuyển tăng, chi phí sản xuất (giá cá ngừ nguyên liệu, giá dầu hướng dương…) tăng. Điều này đã ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cá ngừ tại các thị trường xuất khẩu như EU.
Cá ngừ Việt Nam vẫn đang chịu sức ép cạnh tranh lớn và những quy định, rào cản kỹ thuật vẫn đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn tại thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Các quốc gia xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt hơn cùng với việc một số thị trường sở tại châu Âu đang có xu hướng đưa ra quy định, tiêu chí khắt khe hơn đối với cá ngừ nhập khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, mặc dù được hưởng các ưu đãi thuế suất từ EVFTA, nhưng mức giá cá ngừ Việt Nam đang cao hơn so với nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác. Đồng thời, các nhà nhập khẩu cá ngừ EU luôn ưu tiên nhập khẩu những sản phẩm cá ngừ trong nội khối EU cho dù có mức giá cao hơn. Đây là những thách thức lớn trong thời gian tới khi các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh thị phần cá ngừ tại thị trường EU.
Tại thời điểm cuối năm nay, một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ vào EU là do các thị trường chuẩn bị vào mùa cao điểm cho dịp lễ cuối năm.
Bên cạnh đó, lệnh cấm veda tại khu vực EPO từ 29/7 và kéo dài 72 ngày đã khiến cho nguồn cung cá ngừ cho thị trường EU từ khu vực này giảm. Hơn nữa, giá cá ngừ tại khu vực Manta, Ecuador chênh lệch nhiều so với tại khu vực Bangkok, Thái Lan, do đó EU có xu hướng tăng mạnh nhập khẩu cá ngừ từ các nước Châu Á trong thời điểm này.
Trong bối cảnh này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam với lợi thế về mặt thuế quan theo hiệp định EVFTA đang có sức cạnh tranh tốt hơn so với các nước như Philippines, Indonesia hay Thái Lan.
Nhận định về thị trường cá ngừ những tháng đầu năm 2023, Vasep cho rằng xuất khẩu cá ngừ sẽ khó khăn hơn. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng hơn vào những sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Ngoài ra chi phí đầu vào đánh bắt vẫn cao, chưa gỡ được thẻ vàng IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản… vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ.
Hiện nay, việc giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu cứng rắn về chính sách tiền tệ đã giúp đồng euro tăng giá làm tăng sức mua của ngành cá ngừ châu Âu. Việc này đã khiến cho cá ngừ đóng hộp và loin cá ngừ hấp nhập khẩu từ các nước vào EU rẻ hơn. Hiện tại các nhà nhập khẩu cá ngừ EU đang tiến hành ký kết các đơn hàng sẽ được giao đầu năm 2023 để được miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ).
Nguồn : vneconomy.vn