Thay vì đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng dầu sang duy nhất Bộ Tài chính, Bộ Công Thương lần này đề xuất giữ nguyên cơ quan đầu mối quản lý như hiện tại.
Tại dự thảo lần 2 tờ trình Thủ tướng về sửa đổi Nghị định 95 và 83 kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng việc quản lý Nhà nước với mặt hàng này vẫn cần sự tham gia, phối hợp của các bộ theo từng lĩnh vực.
Theo đó, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên như cách điều hành hiện nay, tức sẽ có nhiều bộ ngành tham gia, trong đó Bộ Công Thương chủ trì cùng sự tham gia của Bộ Tài chính, các bộ khác theo chức năng quản lý Nhà nước với mặt hàng này. Nhưng sẽ làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành và bổ sung quy định “thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn một quý một lần. Nếu trong quý biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay”.
Bộ này cho rằng, việc phân công phối hợp như vậy đã thực hiện từ nhiều năm, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng của từng bộ, ngành. Trong điều hành giá, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở, đảm bảo giám sát, kiểm tra các chi phí chính xác, minh bạch và đúng chuyên môn.
Quan điểm ở lần dự thảo này của Bộ Công Thương đã thay đổi so với cách đây một tháng. Lúc đó, Bộ này đề nghị chuyển quyền điều hành sang đầu mối duy nhất là Bộ Tài chính để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đã được phân công.
“Quản lý điều hành giá về một đầu mối, và cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Tài chính về lĩnh vực tài chính, do đó việc tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành… sẽ chính xác theo chế độ hoạch toán, kế toán”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Trước đó, đề xuất giao quản lý thống nhất về một cơ quan, cụ thể là Bộ Công Thương, cũng nhận được đồng tình từ giới chuyên gia, doanh nghiệp do phù hợp nội dung Luật giá đang sửa đổi và thực tế kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của kinh doanh thương mại.
“Xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, tổ chức bán lẻ… đều do Bộ Công Thương quản lý. Do đó, giao cho Bộ Công Thương là phù hợp”, PGS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nêu.
Song Bộ Công Thương cho rằng, giao đầu mối duy nhất quản lý xăng dầu về bộ này đảm bảo thống nhất đầu mối quản lý về giá, cung cầu, nhưng lại không đảm bảo sự phù hợp trong phân công, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giữa các bộ. Do đó sẽ dẫn tới chồng chéo, làm phát sinh thêm bộ máy, biên chế để thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, điểm mới tại dự thảo lần này là Bộ Công Thương đề xuất tăng vị thế cho doanh nghiệp bán lẻ, khi cho họ được lấy hàng từ nhiều nguồn, có thể giới hạn 2-3 nguồn. Việc này nhằm đa dạng nguồn cung xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế của doanh nghiệp bán lẻ trong đàm phán mua hàng.
Thực tế, đây cũng là điểm được nhiều doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị sửa đổi. Quy định hiện nay doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy từ một nhà cung cấp khiến họ cho rằng bị gặp bất lợi, chèn ép nếu muốn có hàng để bán, nhất là khi thị trường có biến động, nguồn cung ứng gặp trục trặc.
Ủng hộ cho đơn vị bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn nhưng bộ này cũng lo ngại quy định trên có thể gây khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Ngoài ra, khi nguồn cung gặp khó sẽ không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cấp cho doanh nghiệp bán lẻ.
Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ ở Hà Nội cho rằng việc sửa quy định cho họ được mua từ nhiều nguồn, thay vì một như hiện nay là phù hợp, đảm bảo họ có thể đàm phán sòng phẳng, cạnh tranh hơn với nhà cung cấp nếu phía cung cấp đưa các điều kiện giao hàng bất hợp lý.
Riêng về mức chiết khấu, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm không quy định mức tối thiểu, với lý do để các doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp cung cầu thị trường. Trường hợp để đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại) các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng nếu không quy định chiết khấu tối thiểu ở mức tỷ lệ hợp lý, họ khó duy trì hoạt động, được đối xử công bằng trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
Liên quan tới quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm cần tồn tại quỹ này, bởi đây là công cụ điều hành giá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ này cũng đề nghị bỏ hình thức tổng đại lý để giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống, chuỗi cung ứng xăng dầu.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi quy định kinh doanh xăng dầu nhằm xử lý những bất ổn, xáo trộn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng quốc gia.
Nguồn: vnexpress.net