Đổi mới sáng tạo là năng lực cốt lõi cho doanh nghiệp
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách nhằm phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao CN. Đặc biệt, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến năm 2030.
Đây là Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KH&CN mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của KH,CN&ĐMST trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Căn cứ vào các định hướng ưu tiên phát triển KH,CN&ĐMST, Chiến lược xác định, xây dựng các định hướng phát triển KH,CN&ĐMST của doanh nghiệp, nhất là thông qua việc liên kết có trọng tâm, trọng điểm với các viện nghiên cứu, trường đại học. Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực ĐMST, năng lực quản lý và xem đây là 2 năng lực cốt lõi để cải thiện kết quả ĐMST, năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bộ KH&CN tiếp tục nhấn mạnh hoạt động nghiên cứu KH trong doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động thương mại hóa sáng chế đang ngày càng được Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm. Các quy định pháp luật về vấn đề thương mại hóa sáng chế đang dần được hoàn thiện, trong quá trình này không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp KHCN, nơi mà các sáng chế sẽ được khai thác, áp dụng và chuyển giao.
Tạo sức bật cho doanh nghiệp vượt khó và tăng tốc
Năm 2022, sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với loạt thách thức mới từ cơn bão suy thoái toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng, do cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, biến đổi khí hậu…
Bối cảnh này đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp buộc phải tìm ra những giải pháp, chiến lược đột phá làm mới mình, thích ứng với môi trường kinh doanh mới, biết biến thách thức thành cơ hội. ĐMST là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Dấu ấn vượt trội từ “Lễ trao giải VinFuture năm 2022” của Tập đoàn Vingroup vinh danh 9 tác giả của 4 công trình KH đột phá mang lại sự “Hồi sinh và Tái thiết” cho nhân loại, với giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD. Thông qua giải thưởng này, Tập đoàn Vingroup đã tôn vinh những đổi mới kiệt xuất – những đột phá về KHCN đã và đang tái thiết lại cuộc sống trên toàn thế giới sau đại dịch, giúp chúng ta thấy rõ vai trò hàn gắn của KHCN trong đời sống thực tế.
Đó cũng là mong muốn tạo cơ hội kết nối đa chiều giữa các nhà KH và giới doanh nhân, góp phần giải quyết những thách thức thực tế trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển, để đưa KHCN vào cuộc sống một cách hiệu quả và bền vững.
Trong sự lan tỏa tinh thần ấy trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam, năm 2022, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện tiêu biểu của doanh nghiệp KHCN thúc đẩy ĐMST, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, tạo hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, sau 3 năm thành lập, Hiệp hội Doanh nghiệp KH & CN Việt Nam (VTS) đã phát huy được vai trò quan trọng, kết nối, hỗ trợ các hội viên thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH, ĐMST, tham gia tích cực các hoạt động Techmart, Techfest; tổ chức Giải thưởng Doanh nghiệp ĐMST; thảo luận, trao đổi ý kiến đóng góp và phản biện chính sách về doanh nghiệp KHCN; tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo chiến lược phát triển KH&CN…
Nhiều doanh nghiệp thành viên của VTS đã chứng tỏ được sự vượt trội về thành quả CN tại Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest Vietnam) 2022 như Công ty Cổ phần KHCN Việt Nam (Busadco), Công ty TNHH Minh Long, Công ty Cổ Phần Sao Thái Dương, Tập đoàn Dược Mỹ phẩm Sa sâm Việt (Ssavigroup), Công Ty TNHH Một Thành Viên Sinh Học Minh Hoàng – Gia Lai, Công ty Cổ phần Dược phẩm Savi (Savipharm)… Đây đều là các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu KH, ĐMST, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều sản phẩm đã đạt giải thưởng vượt khỏi biên giới quốc gia.
Techfest Vietnam 2022 đã vinh danh “Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2022” cho nhiều doanh nghiệp thành viên VST. Giải thưởng này do Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác CN và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) phối hợp với Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST tổ chức.
Có thể khẳng định đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức đã có những đóng góp cho hoạt động sáng chế, những hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phát triển sản phẩm; đồng thời khuyến khích, thúc đẩy hiệu quả nhất sự ST không ngừng trong cộng đồng doanh nghiệp với niềm tin về sự phát triển số lượng đơn đăng ký sáng chế cũng như chất lượng sản phẩm sáng chế của doanh nghiệp Việt, từng bước xây dựng nền tảng sáng chế phát triển bền vững.
Tiêu biểu phải kể đến danh hiệu “Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2022” của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch VST. Ông đã giành được 2 giải thưởng: TOP 1 “Tác giả sáng tạo ra nhiều sáng chế được cấp bằng” và Sản phẩm CN xuất sắc từ sáng chế” (công trình “Kè bảo vệ bờ Hồ Hoàn Kiếm- Hà Nội công trình bảo tồn di sản, di tích Quốc gia”).
Điểm nhấn đáng tự hào hơn nữa là tại cuộc thi Sáng tạo sáng chế quốc tế lần thứ 7 – iCAN 2022, cả 6 công trình/sản phẩm của Busadco, trong đó có công trình “Kè bảo vệ bờ Hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội công trình bảo tồn di sản, di tích Quốc gia” đã đạt Huy chương vàng iCAN 2022 và giải đặc biệt do Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA), Hiệp hội Quảng bá sản phẩm phát minh Đài Loan (TIPPA), Tổ chức Hợp tác sáng tạo, Hiệp hội Các nhà phát minh sáng chế trao tặng.
Techfest Vietnam 2022 cũng đã vinh danh 10 làng CN có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động KHCN của năm. Trong đó, Làng Năng lượng Xanh đã trưng bày một số kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Đó là giải pháp giảm sát máy phát điện của các công ty thành viên trong Làng; giải pháp ứng dụng các CN mới như IoT, AI; giải pháp đã được triển khai tại hàng điểm của lưới viễn thông Việt Nam, cho hiệu quả rất lớn về tiết kiệm nhân lực nâng cao độ tin cậy và hiệu quả quản lý hệ thống viễn thông.
Cùng với đó, Làng Năng lượng Xanh trưng bày máy phát điện Biogas hòa lưới với thiết bị điều khiển của Việt Nam cho phép khai hiệu quả nguồn khí trong nông nghiệp, giảm thiểu tác động cho môi trường.
Đồng lòng với quyết tâm của Chính phủ, Làng Năng lượng Xanh với các mục tiêu thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong khai thác năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải CO2 và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hiệu quả trong các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp và công nghiệp đã tìm kiếm, chuyển giao CN mới hướng tới tăng trưởng xanh.
Tại TechFest 2022, được gặp gỡ bày tỏ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà TitaThy Nguyễn, Trưởng làng Năng lượng Xanh, đồng thời là Trưởng đại diện Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam cam kết trong năm tới sẽ triển khai hiệu quả các mô hình giáo dục đào tạo thay đổi nhận thức và trong sản xuất, triển khai các giải pháp quản lý và sử dụng năng lượng xanh làm điển hình phát triển trong nước và quốc tế.
Chương trình Dấu ấn Techfest Vietnam 2022 đã truyền tải thông điệp về một hệ sinh thái ĐMST mở, liên kết và thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp.
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch VST, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST cho rằng, thông qua các hoạt động tạo cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, ĐMST, cộng đồng doanh nghiệp và nhà quản lý, nhà KH sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc, định hướng phát triển cho tương lại, tạo ra những sáng kiến mới và phát triển đầu tư mạnh mẽ hơn. Qua đó góp phần đẩy mạnh công tác thương mại hóa sáng chế, tìm ra các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ khai thác thương mại sáng chế và phát triển doanh nghiệp KHCN những năm tiếp theo.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) khẳng định, sau 1 năm số lượng các làng CN đã gia tăng nhanh về số lượng. Nếu Techfest 2021 có 16 làng CN, thì đến nay đã có 34 làng CN. Điều này cho thấy sự quan tâm, tâm huyết của cộng đồng nhằm mang đến cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia nhiều nguồn lực hơn.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành miền đất đổi mới sáng tạo màu mỡ, đồng thời bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ là “khách hàng lớn” của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp
Năm 2022, cuộc thi “Khởi nghiệp ĐMST trong sản xuất, kinh doanh” năm 2022 do Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST Techfest 2022 phối hợp tổ chức đã tạo nhiều ấn tượng.
Cuộc thi hướng tới việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên, tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống; xây dựng, hình thành và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ; gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động ĐMST, nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, qua đó, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước.
Giải Nhất cho Dự án Nanosalt – Muối dược liệu Việt Nam; Giải nhì cho hai Dự án Hệ thống tủ điện thông minh PFE, Dự án Sạc nhanh – Ngân hàng năng lượng và Giải Ba cho 3 dự án (Dự án Làng Tôi – Ứng dụng đặc tính và công dụng độc đáo của thảo dược Việt Nam trong sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên; Dự án Horus – Biến camera thông thường thành Camera Al; Dự án Mắt kính thông minh cho người khiếm thị) đã thực sự thuyết phục được Ban Giám khảo, tạo dấu ấn mới trong cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trong khí thế đam mê sáng tạo không ngừng.
Cuộc thi không chỉ tạo sân chơi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh; vinh danh người đạt giải thưởng mà còn là sự kết nối, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023” vừa diễn ra vào dịp cuối năm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh việc hoàn thiện thị trường KHCN là giải pháp trọng tâm, ở đó Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đóng vai trò quan trọng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị xúc tiến thành lập một số doanh nghiệp khởi nguồn để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bộ sẽ xây dựng đề án thử nghiệm chính sách thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu, thông qua doanh nghiệp khởi nguồn này.
Có thể khẳng định, với sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, các bộ ngành trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH, ĐMST trong doanh nghiệp, tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với các trung tâm, viện nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ thích ứng và nhanh chóng vượt khó và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023.