Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị thoái hóa cột sống lưng

  • 28.01.2022
  • |
  • 18 (Lượt xem)

Thoái hóa cột sống lưng là bệnh lý về xương khớp thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới sẽ giúp bạn trang bị thêm kiến thức, từ đó có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị thoái hóa cột sống lưng một cách hiệu quả.

thoái hóa cột sống lưng

1. Thoái hóa cột sống lưng là gì?

Thoái cột sống lưng là bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi, theo thống kê của viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ, hiện nay có tới 85% người ở độ tuổi ngoài 60 mắc phải căn bệnh này. Người mắc bệnh này sẽ bị hạn chế về khả năng vận động, hai cơ chân yếu dần, dễ mất thăng bằng do cột sống lưng bị biến dạng trong khi không hề bị viêm nhiễm. Về bản chất thoái hóa cột sống lưng chính là sự biến đổi hình thái thông qua thoái hóa ở các vùng: gai sau, đĩa đệm và thân đốt sống.

Chúng ta đều biết, cột sống lưng đảm nhiệm chức năng nâng đỡ cơ thể, có dạng đường cong được ví như bộ “áo giáp” để các cơ quan nội tạng bám vào. Vì vậy, 5 đốt sống ở lưng: từ L1 – L5 được xem là là đối tượng dễ bị “hao mòn” nhất. Các tổn thương thường gặp của đốt sống lưng như: sụn khớp, đĩa đệm bị thoái hóa, phần xương ở dưới sụn và màng hoạt dịch bị thay đổi về cấu trúc do già cỗi, mất nước… Bệnh lý này sẽ gây nhiều tác động làm ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và khả năng vận động hàng ngày của người bệnh, do xương phải chịu nhiều trọng tải lớn suốt thời gian dài.

2. Nguyên nhân dẫn tới thoái hóa cột sống lưng

Chúng ta cần phân biệt giữa bệnh xương khớp do viêm nhiễm và thoái hóa cột sống lưng (do quá trình lão hóa gây ra). Khi sụn khớp và đĩa đệm phải chịu quá nhiều áp lực lớn trong thời gian dài dẫn tới tổn thương, giảm tính đàn hồi khiến cho phần cột sống lưng bị biến dạng. Một số nguyên nhân dẫn tới sự biến dạng này là:

– Tuổi tác: Đây được xem như nguyên nhân hàng đầu của bệnh thoái hóa. Theo thời gian, khi các chức năng và cấu trúc xương dần bị suy giảm, tế bào sụn ở cột sống mất đi độ đàn hồi và khả năng chịu lực

– Do công việc: Một số người phải làm các công việc nặng thường xuyên, hay phải ngồi ở một tư thế quá lâu… từ đó khiến cho quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.

– Vận động sai tư thế: Làm việc, nghỉ ngơi, tập luyện… sai tư thế liên tục, gây áp lực lên cột sống kéo dài, đặc biệt ở vùng thắt lưng sẽ làm gia tăng khả năng thoái hóa vùng cột sống này.

– Chế độ dinh dưỡng: Các trường hợp có chế độ dinh dưỡng không phù hợp hay bị rối loạn về chức năng trao đổi chất trong cơ thể có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp cao hơn so với người thường.

– Một số nguyên nhân khác: do di truyền, bẩm sinh, béo phì, chấn thương…

Cột sống là phần phải chịu nhiều áp lực của cơ thể. Việc hiểu rõ các nguyên nhân gây ra những tổn thương lên bộ phận này là điều vô cùng quan trọng, từ đó có thể giúp người bệnh dễ dàng hơn trong điều trị bệnh.

3. Triệu chứng của thoái hóa cột sống lưng

Đây là bệnh lý về xương khớp mãn tính và có tốc độ phát triển khá chậm, người bệnh sẽ khó nhận ra vì các triệu  không quá rõ ràng ở giai đoạn đầu. Triệu chứng có thể nhận ra rõ nhất là các cơn đau ở vùng bị thoái hóa:

– Đau vùng thắt lưng âm ỉ, đau tăng lên khi vận động hay thời tiết thay đổi.

– Đau lưng dưới sau đó lan xuống mông và hai chân dưới làm người bệnh khó cúi hay ngồi lâu.

– Mất thăng bằng khi đứng và đi lại khó khăn

– Khi xoay cúi người thường thấy tiếng lục cục ở phần thắt lưng

Người mắc bệnh này sẽ phải chịu các cơn đau về xương khớp âm ỉ nhiều ngày, mức độ đau sẽ tăng lên khi đi lại và vận động nặng. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày tưởng chừng đơn giản.

4. Các cách điều trị thoái hóa cột sống lưng

Tùy theo tình trạng sức và mức độ bệnh mà cách điều trị cho mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Một số trường hợp gặp các triệu chứng như trên nhưng chưa chắc đã phải mắc thoái hóa đốt sống lưng. Vì vậy, để có thể xác định chính xác người bệnh cần đến các cơ sở y tế tin cậy để được khám và chuẩn đoán theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp bị thoái hóa cột sống lưng, có các cách điều trị như:

4.1. Điều trị thoái hóa cột sống lưng bằng thuốc

Việc sử dụng thuốc giảm đau với bệnh lý này chủ yếu mang tính chất hỗ trợ. Thuốc giảm đau cũng được phân cấp theo các tình trạng đau từ nhẹ tới nặng. Đối với bệnh nhân có các cơn đau từ nhẹ tới trung thường có thể dùng Paracetamol. Tình trạng người bệnh có các cơn đau nặng kéo dài không dứt, có thể sử dụng thuốc chống viêm không Steroid, ibuprofen, naproxen natri. Liều lượng đối với những loại này tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu quá trình sử dụng thuốc trong thời gian dài chưa có hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị dùng biện pháp tiêm đối với bệnh nhân. Một số loại thuốc giảm đau nhanh như corticoid sẽ được tiêm vào quanh vùng cột sống bị đau. Bên cạnh việc sử dụng thuốc uống người bệnh có thể kết hợp với một số loại thuốc bôi, thuốc xoa bóp… trực tiếp tại vùng bị thoái hóa để giảm các cơn đau.

4.2. Điều trị thoái hóa cột sống lưng không dùng thuốc

Bên cạnh dùng thuốc người bệnh có thể kết hợp cùng một số cách điều trị không dùng thuốc như:

– Massage: Đây là phương pháp dùng tay, chân hoặc dụng cụ nhằm mục đích dịch chuyển, tác động lên cơ, xương… qua đó cảm giác đau đớn, tê cứng sẽ được giảm bớt.

– Châm cứu: Đây là phương pháp cổ truyền từ xưa. Bác sĩ đông y sẽ sử dụng kim để tác động vào các huyệt trên cơ thể.

– Chườm nóng, chườm lạnh: Chườm nóng giúp đưa khí nóng để làm tan hàn khí trong cơ thể, chườm lạnh thì có tác dụng giảm sưng đau tức thời.

– Kích điện: Bác sĩ sẽ sử dụng một số thiết bị nhỏ có thể tạo ra xung điện ở mức vừa phải, khi này xung điện sẽ tác động vào khu vực tổn thương để giúp giảm các triệu chứng đau nhức kéo dài.

Có khá nhiều cách điều trị thoái hóa cột sống lưng khác nhau mà không sử dụng thuốc, tuy nhiên các cách này cũng mang tính chất giúp hỗ trợ. Tốt nhất người bệnh nên thăm khám và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.

4.3. Phẫu thuật

Điều trị bằng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc chủ yếu có tác dụng với bệnh ở thể nhẹ và trung bình. Đối với bệnh nhân ở mức độ nặng, đặc biệt đã có biến chứng thoát vị đĩa đệm, rối loạn tiền đình hay biến dạng cột sống…có thể sẽ phải phẫu thuật.

Mỗi phương pháp phòng và điều trị bệnh được áp dụng phù hợp từng đối tượng với các mức độ bệnh khác nhau. Người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán chính xác và được chỉ định cách điều trị hiệu quả.

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.