[CẢNH BÁO] 6 TRIỆU CHỨNG CẦN KHÁM TIM MẠCH NGAY LẬP TỨC

  • 27.01.2015
  • |
  • 24 (Lượt xem)

Các bệnh lý về tim mạch được ví von là “kẻ giết người thầm lặng” bởi đây là nhóm bệnh gây tử vong cao, diễn tiến âm thầm nhưng nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Vậy các dấu hiệu nào cần khám tim mạch sớm? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để có câu trả lời.

khám tim mạch

6 triệu chứng nguy hiểm cần khám tim mạch sớm

Khó thở

Khó thở đột ngột; khó thở khi nằm, phải bật dậy để thở; khó thở về đêm; khó thở mỗi lúc gắng sức như sau khi tập thể dục, làm việc nặng… là những dấu hiệu bạn cần tới bệnh viện để khám tim mạch.

Nguyên nhân của tình trạng này đôi khi là do sự xuất hiện cục máu đông, làm nghẽn mạch máu trong phổi, dẫn đến thiếu oxy hoặc đang lên cơn đau tim, trụy tim. Triệu chứng này đôi lúc mờ nhạt nhưng nguy hiểm đến tính mạng, khiến người bệnh luôn phải cố gắng thở gấp do thiếu không khí.

Đau thắt ngực vùng tim

Đau thắt ngực là một trong những dấu hiệu cần khám tim mạch nhưng đây cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác.

Ở bệnh lý tim mạch, ngoài đau tức ngực do viêm cơ tim thì nguyên nhân gây ra tình trạng này là do giảm hoặc tắc nghẽn dòng máu tới oxy cho cơ tim. Đa phần các cơn đau thắt ngực sẽ thuyên giảm khi dòng máu tới cơ tim được cải thiện (bệnh nhân dùng thuốc hay điều trị bằng các phương pháp can thiệp khác).

Tuy nhiên, trên lâm sàng, cơn đau thắt ngực có thể ở mức độ nhẹ, thoáng qua và xảy ra bất chợt nên bệnh nhân khó nhận biết. Bên cạnh đó, nhiều người thấy có dấu hiệu đau tức ngực nhưng lại bỏ qua vì nghĩ rằng tình trạng này không quá nghiêm trọng.

Vì vậy, nếu thường xuyên đau thắt vùng ngực, tức ngực thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và điều trị sớm nếu phát hiện bệnh.

Đánh trống ngực, hồi hộp

Đánh trống ngực (hay tim đập mạnh) là tình trạng người bệnh có cảm giác tim đập thình thịch hoặc đập dồn dập trong lồng ngực. Điều này có thể xuất phát từ việc bệnh nhân đang hồi hộp, lo lắng, căng thẳng hoặc do vừa vận động cường độ mạnh.

Tuy nhiên, đánh trống ngực đôi khi là dấu hiệu cần đi khám tim mạch, vì rất có thể đó là biểu hiện của nhồi máu cơ tim hay loạn nhịp tim.

Phù chân (nhất là ở mắt cá chân)

Đặc điểm của phù do tim mạch là phù tím, thường gặp nhất là phù chân, rõ nhất ở vùng mắt cá chân. Nếu phù do suy tim thường sẽ kèm theo dấu hiệu ứ đọng dịch ở tĩnh mạch cổ nổi, hay tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm.

Bệnh nhân cần phân biệt triệu chứng với phù chân suy tĩnh mạch sâu chi dưới hoặc suy bạch mạch chân: Mức độ phù 2 chân chênh nhau, sáng ngủ dậy triệu chứng phù biến mất và có thể đã kèm tình trạng khập khiễng cách hồi.

Tím tái da và niêm mạc

Với cơ thể khỏe mạnh, máu lưu thông tốt, da sẽ có màu hồng, chạm vào thấy ấm. Còn với các bệnh liên quan đến thiếu máu, thiếu oxy, thì da sẽ xanh tím tái. Bình thường màu sắc da và niêm mạc chỉ xanh tím ở môi, móng tay, móng chân nhưng khi làm việc nặng thì triệu chứng tím tái xuất hiện toàn thân.

Nguyên nhân có thể là do bệnh nhân mắc bệnh về tim mạch khiến lưu thông máu bị hạn chế. Nếu gặp tình trạng này, người bệnh cần phải đi khám tim mạch sớm để xác định bệnh.

Chóng mặt vào sáng sớm ngủ dậy hoặc có ngất

Chóng mặt là một trong những dấu hiệu cần đi khám tim mạch sớm. Bệnh nhân thường chóng mặt vào buổi sáng do tụt huyết áp tư thế đứng. Tình trạng này có thể do bệnh lý trụy tim mạch, hoặc phản ứng phụ từ các loại thuốc điều trị bệnh lợi tiểu, huyết áp, đái tháo đường, bệnh Parkinson.

Tuy nhiên, chóng mặt cũng có thể là do rối loạn tiền đình ốc tai, dẫn đến mất cân bằng tư thế. Do vậy, bệnh nhân cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị sớm.

Quy trình khám tim mạch gồm những bước nào?

Bước 1: Khám lâm sàng

Sau khi làm thủ tục với nhân viên lễ tân, người bệnh sẽ được hướng dẫn đến phòng khám và gặp bác sĩ chuyên khoa Tim mạch khám ban đầu. Bác sĩ sẽ khai thác các thông tin như:

– Các triệu chứng ra sao, xuất hiện từ bao giờ?

– Chẩn đoán của bác sĩ trong lần khám trước đó

– Việc điều trị từ trước đến giờ, có hiệu quả hay không

Từ các thông tin trên bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán ban đầu về mức độ bệnh tật. Tiếp đó, để xác định chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm chụp chiếu, xét nghiệm hoặc chỉ cần lấy thuốc điều trị nội khoa.

Bước 2: Thực hiện xét nghiệm, chụp chiếu theo chỉ định của bác sĩ

Sau khi khám lâm sàng, người bệnh sẽ thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu theo chỉ định của bác sĩ, sẽ bao gồm một trong những hạng mục sau:

– Chụp X-Quang tim phổi

– Điện tâm đồ

– Siêu âm tim

– Xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, đông máu…)

Bước 3: Kiểm tra kết quả xét nghiệm, chụp chiếu của bệnh nhân

Sau khi thực hiện xong chụp chiếu, xét nghiệm, người bệnh chờ đủ kết quả và mang đến phòng khám ban đầu, chờ bác sĩ chuyên khoa Tim mạch đọc kết quả.

Bước 4: Chẩn đoán bệnh

Dựa theo khám lâm sàng và kết quả chụp chiếu, xét nghiệm bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh tim hiện tại.

Bước 5: Phương án điều trị

Khi đã có toàn bộ các kết quả chụp chiếu, xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương án điều trị. Thường có 3 phương pháp điều trị chính là:

– Điều trị Nội khoa: Điều trị bằng thuốc

– Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật bệnh lý tim mắc phải, phẫu thuật tim mạch bẩm sinh, phẫu thuật cầu nối động mạch vành…

– Tim mạch can thiệp: đặt máy trợ tim, nong bóng hoặc đặt stent mạch vành…

Lưu ý khi đi khám tim mạch

– Nên mang theo kết quả khám, các phim chụp trong vòng 6 tháng, thuốc đang dùng (nếu có).

– Nên nhịn ăn tối thiểu 4 giờ trước khi đi khám với bác sĩ vì có thể cần thực hiện xét nghiệm máu.

– Nếu người bệnh đang điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh tim: Tiếp tục điều trị theo đơn hàng ngày.

– Nếu người bệnh đang điều trị tiểu đường: Không nên uống hoặc tiêm insulin vào buổi sáng trước khi đến khám.

– Không nên sử dụng chất kích thích như: Nước chè, cà phê, thuốc lá, rượu bia…

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.