Đĩa đệm cột sống là hình đĩa nằm giữa 2 cột sống, có tác dụng giống như bản lề giúp cho cột sống được vững chắc, đặc biệt giúp cơ thể vận động đoạn cổ và thắt lưng một cách trơn tru. Thoát vị đĩa đệm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người bệnh. Tuy là căn bệnh phổ biến nhưng không phải ai cũng biết rõ về các giai đoạn của bệnh thoát vị đĩa đệm. Sau đây là 4 giai đoạn bệnh thoát vị đĩa đệm thường gặp mà bạn nên lưu ý:
4 giai đoạn bệnh thoát vị đĩa đệm cần lưu ý
Giai đoạn 1: đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh thoát vị đĩa đệm. Ở giai đoạn này, đĩa đệm có dấu hiệu thoát vị nhân nhầy sẽ biến dạng, bắt đầu xuất hiện vài chỗ đứt rách nhỏ khiến người bệnh có cảm giác hơi đau ở phần thắt lưng.
Giai đoạn 2: tiếp sau đó nhân nhầy này sẽ lồi về phía vòng sợi bị suy yếu, đĩa đệm bắt đầu bị phình ra. Biểu hiện lâm sàng bằng đau thắt lưng cục bộ, thỉnh thoảng mới có triệu chứng kích thích rễ thần kinh.
Giai đoạn 3: khi nhân nhầy lồi về phía vòng sợi bị suy yếu các lớp của vòng sợi sẽ đứt rách hoàn toàn, tổ chức nhân nhầy cùng với tổ chức khác của đĩa đệm thoát ra khỏi khoang gian đốt sống, lúc này bệnh đã tiến triển nựng. Các triệu chứng chèn ép rễ thần kinh xuất hiện làm cho người bệnh đau đớn, hạn chế vận động.
Giai đoạn 4: nhân nhầy bị biến dạng, xơ hóa, vòng sợi bị phá vỡ, rạn rách nặng ở nhiều phía. Giảm rõ chiều cao khoang gian đốt sống dẫn đến hẹp ống sống thứ phát và hư khớp đốt sống. Trong 4 giai đoạn bệnh thoát vị đĩa đệm, giai đoạn này nguy hiểm nhất. Triệu chứng lâm sàng đau thắt lưng mãn tính, tái phát, có thể có hội chứng ép rễ thần kinh nặng do chèn ép trong lỗ tiếp hợp, gây teo cơ, thậm chí gây tàn phế ở người bệnh.
Trong lâm sàng không tiến triển tuần tự qua từng giai đoạn trong 4 giai đoạn bệnh thoát vị đĩa đệm như trên. Thoát vị đĩa đệm có thể đột biến do những yếu tố bên trong và bên ngoài nhất là chấn thương và tải trọng (lực đè lên các khớp).
Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Ngoài những cơn đau đớn thường ngày, nếu không được chữa trị kịp thời bệnh nhân có thể bị teo cơ, teo các chi thậm chí còn có thể bị tàn phế suốt đời nếu thoát vị chèn ép vào tủy cổ.
Tùy thuộc mức độ thoát vị, chèn ép các rễ thần kinh khác nhau mà có cách điều trị khác nhau. Vì vậy khi bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên đến các chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám và điều trị kịp thời. Tùy từng tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp.